Hé lộ bí mật lõi trong cùng của Trái đất: 'Quả cầu sắt' nóng 5.500 - 6.000 độ C

Nhà địa chấn học Thanh-Son Pham thuộc Đại học Quốc gia Úc, tác giả chính của nghiên cứu đăng trên tạp chí Nature Communications, xác nhận lõi trong cùng Trái đất là một quả cầu rắn và niken nóng khủng khiếp rộng khoảng 1.350km.

 
Hé lộ bí mật lõi trong cùng của Trái đất: Quả cầu sắt nóng 5.500 - 6.000 độ C - Ảnh 1.

Hình ảnh Trái đất mới nhất do vệ tinh VIIRS của NASA chụp – Ảnh: NASA

Lõi trong cùng của Trái đất: ‘Hành tinh trong hành tinh’

Đường kính Trái đất khoảng 12.750km. Cấu trúc bên trong của hành tinh xanh bao gồm bốn lớp: lớp vỏ đá bên ngoài, sau đó là lớp phủ đá, lõi bên ngoài làm bằng magma và lõi bên trong rắn chắc.

Theo Hãng tin Reuters, lõi bên trong bằng kim loại này rộng khoảng 2.440km, được phát hiện vào những năm 1930 dựa trên sóng địa chấn truyền qua Trái đất.

Vào năm 2002, các nhà khoa học đã đề xuất rằng ẩn trong lõi này là phần trong cùng tách biệt với phần còn lại, giống như một con búp bê làm tổ Matryoshka của Nga.

Công nghệ giám sát địa chấn hiện đại cho phép xác nhận điều trên.

Động đất giải phóng sóng địa chấn truyền qua hành tinh và có thể làm lộ ra các đường viền của cấu trúc bên trong, dựa trên hình dạng thay đổi của sóng. Cho đến nay, các nhà khoa học đã có thể phát hiện những sóng này nảy tới hai lần, từ một bên của Trái đất sang bên kia và sau đó quay trở lại.

Nghiên cứu mới đã nghiên cứu các sóng từ 200 trận động đất có cường độ trên 6 độ, chúng dội lại tới 5 lần – giống như những quả bóng bàn – trong hành tinh.

“Nghiên cứu của chúng tôi có thể thực hiện được nhờ sự mở rộng chưa từng thấy của các mạng lưới địa chấn toàn cầu, đặc biệt là các mạng lưới dày đặc ở Mỹ, tiếp giáp bán đảo Alaska và hơn thế nữa, dãy núi Alps ở châu Âu”, ông Pham nói thêm.

Cả lớp vỏ bên ngoài của lõi bên trong và quả cầu trong cùng mới được xác nhận của nó đều đủ nóng để nóng chảy. Tuy nhiên chúng là một hợp kim sắt – niken rắn chắc, do áp suất đáng kinh ngạc ở tâm Trái đất khiến nó ở trạng thái rắn.

Lõi trong cùng gần bằng sao Diêm Vương

“Tôi thích nghĩ về lõi trong cùng như một hành tinh lồng bên trong hành tinh. Thật vậy, nó là một quả bóng rắn, có kích thước xấp xỉ sao Diêm Vương và nhỏ hơn một chút so với Mặt trăng”, nhà địa vật lý Hrvoje Tkalčić và đồng tác giả nghiên cứu của Đại học Quốc gia Úc cho biết.

Nếu bằng cách nào đó chúng ta có thể phá hủy Trái đất bằng cách loại bỏ lớp phủ và lõi lỏng bên ngoài, lõi bên trong sẽ tỏa sáng như một ngôi sao. Nhiệt độ của nó ước tính vào khoảng 5.500 – 6.000 độ C, tương tự như nhiệt độ bề mặt của Mặt trời, ông Tkalčić nói.

Ông Pham cho biết quá trình chuyển đổi từ phần bên ngoài của lõi bên trong sang khối cầu trong cùng dường như diễn ra dần dần chứ không phải là một ranh giới rõ ràng. Các nhà nghiên cứu có thể phân biệt hai khu vực vì sóng địa chấn hoạt động khác nhau giữa chúng.

Lõi bên trong đang dần phát triển về kích thước với cái giá phải trả là lõi ngoài các vật liệu nóng chảy hóa rắn, khi Trái đất dần nguội đi – như nó đã diễn ra kể từ khi ra đời khoảng 4,5 tỉ năm trước.

Ông Pham cũng giải thích thêm: Nhiệt được giải phóng từ quá trình hóa rắn của lõi bên trong Trái đất thúc đẩy sự đối lưu ở lõi ngoài lỏng, tạo ra địa từ trường của Trái đất. Và ông nhấn mạnh: “Sự sống trên Trái đất được bảo vệ khỏi các tia vũ trụ có hại và chúng ta sẽ không thể tồn tại nếu không có từ trường như vậy”. Theo Gia Minh (tuoitre online) https://tuoitre.vn/he-lo-bi-mat-loi-trong-cung-cua-trai-dat-qua-cau-sat-nong-5-500-6-000-do-c-20230222193931712.htm

1,070 views

Chương trình Giữ trọn lời thề

Bảng giá quảng cáo và dịch vụ 2024

Chương trình Phát thanh

Hộp thư góp ý

Cổng thông tin Chuyển đổi số Bình Thuận

Chuyển đổi số

Liên kết website

Thông tin cần biết