Tết Độc lập đặc biệt của người Nguồn

Cộng đồng người Nguồn ở một số xã thuộc huyện Minh Hóa (Quảng Bình) có cách đón ngày Quốc khánh rất đặc biệt. Người dân ở đây đón Tết Độc lập không khác gì Tết Nguyên đán.

Tết Độc lập đặc biệt của người Nguồn - Ảnh 1.

Bánh chưng là món truyền thống không thể thiếu trong ngày Tết Độc lập của người Nguồn ở Minh Hóa – Ảnh: Q.NAM

Là một trong những người hiểu rõ nhất về phong tục đón Tết Độc lập, ông Cao Ngọc Tạo (74 tuổi, thôn Kim Bảng, xã Minh Hóa, huyện Minh Hóa) thuộc lòng bài khấn khi thắp hương lên bàn thờ ngày Quốc khánh. 

Trong lời khấn, ông Tạo mời tổ tiên về dự ngày lễ mừng độc lập với con cháu và dành phần lớn thời gian để nhắc lại giá trị của nền độc lập: “Để có được độc lập tự do như hôm nay, hàng vạn người đã đổ xương đổ máu. Có độc lập mới có tự do, rồi mới có dân giàu nước mạnh. Hôm nay gia chủ làm một mâm lễ để tưởng nhớ những người đã khuất, những người đã hy sinh vì nền độc lập này”… 

Ông Tạo lầm rầm khấn bằng tiếng Nguồn pha tiếng Việt, các con cháu của ông đứng quanh đó chăm chú lắng nghe.

“Nhiều năm qua, cuộc sống của người Nguồn có nhiều thay đổi. Nhưng điều kỳ lạ là ý thức về giá trị của nền độc lập không hề thay đổi. Ông truyền lại cho cháu, cha truyền lại cho con. Những thế hệ cứ nối tiếp nhau duy trì truyền thống tốt đẹp của việc đón Tết Độc lập.

Bà ĐINH THỊ MAI ANH (phó trưởng Phòng Văn hóa và thể thao huyện Minh Hóa)

Các cụ già ở huyện Minh Hóa kể lại rằng từ sau ngày độc lập 2-9-1945, những chức sắc và cao niên trong huyện đã bàn bạc với nhau và quyết định phải ăn mừng Tết Độc lập. Từ đó đến nay, Tết Độc lập được duy trì như một nét văn hóa mang tính đặc trưng của vùng đất này để nhắc nhở các thế hệ về giá trị thiêng liêng của nền độc lập.

Tết đặc biệt này của người Minh Hóa tập trung ở 4 xã Tân Hóa, Minh Hóa, Trung Hóa, Thượng Hóa. Đây là nơi cư trú chủ yếu của cộng đồng người Nguồn. Đặc biệt, năm 1969, khi nghe tin Bác Hồ mất, người dân trong vùng đã lập bàn thờ, để tang Bác đúng 10 ngày đêm.

Ông Tạo cho biết gia đình ông đã tổ chức Tết Độc lập từ đời ông cha của ông. Và ngày tết này được người dân đón như Tết Nguyên đán, thành nếp văn hóa truyền thống ăn sâu vào tiềm thức người Nguồn.

Để chuẩn bị cho Tết Độc lập, nhiều gia đình đã bắt đầu từ cuối tháng 8. Bình quân mỗi gia đình dành ra 3-4 ngày ăn tết. “Nhiều gia đình có đông anh em thì trong nhà tự chia nhau mỗi ngày ăn tết ở mỗi nhà. Có khi kéo dài đến cả tuần” – ông Tạo kể.

Cũng như Tết Nguyên đán, món ăn không thể thiếu của người Nguồn trong ngày Tết Độc lập là bánh chưng. Gia đình ông Tạo thắp lửa nấu liên tục một buổi tối đến rạng sáng ngày Quốc khánh mới vớt bánh ra đặt lên bàn thờ. Bà con ở đây quan niệm bánh chưng là hình ảnh của ấm no, có độc lập mới có ấm no, hạnh phúc.

Dịp này, con cháu người Nguồn ai đi xa cũng gắng về nhà sum vầy. Mâm cúng có khi đủ đầy, có khi đơn sơ với vài chiếc bánh chưng, vài con cá suối, bát canh chua nhưng người thân luôn quây quần ấm cúng. Những người trong cùng làng xóm đến nhà nhau chúc Tết Độc lập, chúc nhau sức khỏe, uống cùng nhau ly rượu… Như ông Tạo, đã thành truyền thống mấy chục năm nay, ngày 2-9 năm nào ông cũng mặc áo quần chỉnh tề đi chúc tết những nhà trong xóm…

Theo QUỐC NAM

https://tuoitre.vn/tet-doc-lap-dac-biet-cua-nguoi-nguon-2020090310034277.htm
884 views

Chương trình Giữ trọn lời thề

Bảng giá quảng cáo và dịch vụ 2024

Chương trình Phát thanh

Hộp thư góp ý

Cổng thông tin Chuyển đổi số Bình Thuận

Chuyển đổi số

Liên kết website

Thông tin cần biết