Nghiêm khắc hơn với các tổ chức tín dụng

Ngày 1-6, thảo luận về tình hình kinh tế – xã hội tại phiên họp toàn thể kỳ họp thứ 3 Quốc hội, mặc dù tán thành việc kéo dài thực hiện toàn bộ Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD), song nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thẳng thắn nhận định, Quốc hội cần có những mệnh lệnh nghiêm khắc hơn với các TCTD.
Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tại phiên họp toàn thể kỳ họp thứ 3 Quốc hội. Ảnh: TTXVN:

Thảo luận về tình hình kinh tế – xã hội tại phiên họp toàn thể kỳ họp thứ 3 Quốc hội. Ảnh: TTXVN:

Trước đó, thảo luận ở tổ ĐBQH, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường thẳng thắn bình luận: “Tới đây, hiệu quả của Nghị quyết 42 sẽ không như mong muốn ở thời gian đầu. Bởi vì những khoản nợ còn lại đến thời điểm này thì không chỉ là xấu, mà là quá xấu”.

Chia sẻ với những khó khăn của ngành ngân hàng trong xử lý nợ xấu, nhưng các nhà lập pháp cũng bày tỏ không hài lòng với nhiều vấn đề trong thực hiện Nghị quyết 42. ĐB Nguyễn Công Long (Đồng Nai) nhận xét, một khi các cơ chế đặc thù này phải kéo dài thêm thì có nghĩa rằng hiệu quả thực hiện chưa như mong muốn. Ông lo lắng, nếu cung cách kinh doanh của các TCTD không được cải thiện một cách căn bản, thì cơn ác mộng nợ xấu sẽ còn lặp lại. Theo ĐB, quan hệ tín dụng là quan hệ dân sự, nhưng đến khi xảy ra tranh chấp, Nhà nước lại phải vào cuộc, đi thi hành án “hộ” các TCTD. TCTD kinh doanh yếu kém, nhưng tất cả những hậu quả về kinh tế, về xã hội và an ninh trật tự thì Nhà nước phải đứng ra gánh.

Đây không phải là điều không được nhìn thấy trước. Nghị quyết 42 đã xác định rõ thời hạn thực hiện thí điểm là 5 năm (đến tháng 8-2022), đồng thời với đó sẽ tiến hành sửa Luật Các TCTD hoặc ban hành luật về xử lý nợ xấu. Năm 2020, Chính phủ đã có báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 42. Vấn đề này cũng được các cơ quan của Quốc hội xem xét, thẩm tra, chỉ ra nhiều điểm hạn chế. Thế nhưng, đến nay vẫn chưa có những định hướng rõ ràng cho việc sửa đổi Luật Các TCTD hoặc thời hạn cụ thể ban hành một quy định pháp luật về xử lý nợ xấu. 

Ngay cả trong thời gian thực hiện Nghị định 42, chưa có ngân hàng nào bị lỗ nặng, hầu hết toàn lãi, có những ngân hàng đạt tỷ suất lợi nhuận đến 20%-30%. Tại các kỳ họp trước, một số ĐBQH đã đặt vấn đề về sự chia sẻ khó khăn của ngân hàng với hệ thống doanh nghiệp, với nền kinh tế. Chính vì vậy, nhiều ĐBQH cho rằng, trong nghị quyết của kỳ họp này, Quốc hội cần có những mệnh lệnh nghiêm khắc hơn với các TCTD, đồng thời xúc tiến mạnh mẽ hơn nữa quá trình xây dựng, ban hành những đạo luật đã xác định từ 5 năm trước. 

ANH PHƯƠNG

https://www.sggp.org.vn/nghiem-khac-hon-voi-cac-to-chuc-tin-dung-817903.html

1,169 views

Chương trình Giữ trọn lời thề

Bảng giá quảng cáo và dịch vụ 2024

Chương trình Phát thanh

Hộp thư góp ý

Cổng thông tin Chuyển đổi số Bình Thuận

Chuyển đổi số

Liên kết website

Thông tin cần biết