Bước đi lớn của Mỹ trong lĩnh vực bán dẫn

Quyết tâm nội địa hóa sản xuất chất bán dẫn của Mỹ dự kiến tạo ra thay đổi lớn trong chuỗi cung ứng. Điều này mang tới hàm ý chính sách cho nhiều nước, trong đó có Việt Nam.

Bước đi lớn của Mỹ trong lĩnh vực bán dẫn - Ảnh 1.
Tổng thống Mỹ Joe Biden ký thông qua đạo luật hỗ trợ ngành sản xuất chất bán dẫn Mỹ vào ngày 9-8 – Ảnh: REUTERS

Ngày 9-8, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký phê chuẩn CHIPS and Science Act (Đạo luật chip và khoa học), được cho có ý nghĩa rất lớn tới việc tự chủ sản xuất chất bán dẫn của Mỹ cũng như thúc đẩy các nỗ lực nghiên cứu khoa học – công nghệ của nước này.

Cột mốc nội địa hóa

CHIPS and Science Act có tên đầy đủ là Đạo luật khuyến khích sản xuất bán dẫn cho nước Mỹ. Chính sách này cam kết dành 280 tỉ USD cho các nỗ lực thúc đẩy sản xuất công nghệ cao trong nước, với điểm nhấn là 52,7 tỉ USD cho sản xuất và nghiên cứu chất bán dẫn trong 5 năm tới. Đây là diễn biến mang tính chất biểu tượng cho chiến lược sản xuất của Mỹ hiện nay.

Thứ nhất, Mỹ muốn phát triển công nghệ tiên tiến ở lĩnh vực bán dẫn và công nghệ lõi nói chung, đồng thời ưu tiên nội địa hóa sản xuất để đảm bảo chuỗi cung ứng và việc làm.

Phát biểu trong buổi lễ ký phê chuẩn đạo luật này tại Vườn Hồng ở Nhà Trắng, Tổng thống Biden cho rằng với đạo luật mới, Mỹ đang mang việc sản xuất và công việc quay về. “Tương lai của ngành công nghiệp vi mạch xử lý sẽ là made in America”, ông nói.

Thứ hai, đa số các hãng tin và báo chí Mỹ đều cho rằng mục tiêu của đạo luật mới sẽ nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh của Mỹ với Trung Quốc trong lĩnh vực bán dẫn. Trong đó có ý định kéo các công ty sản xuất bán dẫn hàng đầu về Mỹ và hạn chế hoạt động của họ ở Trung Quốc. Trong số các công ty có thể phải lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc, Công ty Sản xuất chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) là trường hợp tiêu biểu.

Thực tế, việc ưu tiên phát triển nội địa và cạnh tranh với Trung Quốc là chính sách được Mỹ chuẩn bị và theo đuổi nhiều năm nay. Dưới thời cựu tổng thống Donald Trump, TSMC đã chốt dự án nhà máy trị giá 12 tỉ USD ở phía bắc TP Phoenix, bang Arizona.

Ông Trump cũng là người đưa công ty sản xuất chip hàng đầu Trung Quốc SMIC vào danh sách đen. Đây là đòn nặng nề giáng vào tham vọng công nghệ của Trung Quốc, khi SMIC không được tiếp cận các nguồn lực cần thiết để sản xuất các loại chip tiên tiến dưới 10nm.

Nếu tất cả diễn ra đúng kế hoạch, TSMC ở Phoenix sẽ sản xuất chip 5nm vào năm 2024, trong khi SMIC còn chật vật trong việc bắt kịp công nghệ. Theo PGS Jun Zhang tại ĐH Toronto (Canada), về mặt kỹ thuật, SMIC vẫn còn kém TSMC “vài thế hệ”.

Lối ra nào cho phần còn lại?

Trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS Zhang nhận định TSMC thuộc diện đủ điều kiện nhận trợ cấp từ đạo luật mới của Mỹ. Chưa bàn tới yếu tố chính trị, TSMC cũng có nhiều lý do về kỹ thuật để chọn Mỹ.

Đạo luật của Mỹ ước tính cho phép xây dựng 19 xưởng đúc tại Mỹ trong 10 năm tới, đủ khả năng tăng gấp đôi năng lực sản xuất chip trong nước. Theo ông Zhang, rõ ràng điều này sẽ tác động lớn đến chiến lược làm ăn với Trung Quốc của các công ty lớn như Intel, Micron (Mỹ) cũng như TSMC và Samsung (Hàn Quốc). Trong khi đó, bối cảnh này buộc Trung Quốc phụ thuộc nhiều hơn vào các công ty trong nước.

Những diễn biến trên cũng phản ánh tình hình chung của ngành bán dẫn trong tương lai, khi cả Mỹ, Nhật Bản và châu Âu đều chú trọng nhiều hơn tới việc nội địa hóa sản xuất.

Theo ông Zhang, ngành sản xuất bán dẫn có chi phí, quy mô về vốn, nghiên cứu và phát triển… đều ở mức rất cao. Điều này khiến chuỗi sản xuất của bán dẫn không thể đa dạng như các lĩnh vực khác.

“Việt Nam chắc chắn chưa phải quốc gia hiện diện rõ trong cuộc đua thu hút sản xuất chip. Tuy nhiên, Việt Nam đã là điểm thử nghiệm và lắp ráp lớn nhất cho Intel từ năm 2006 và Intel cũng mở rộng đầu tư ở Việt Nam gần đây”, chuyên gia về địa kinh tế này nói.

Thủ tướng đón chủ tịch Samsung

Hôm 5-8, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông Roh Tae Moon, tổng giám đốc Tập đoàn Samsung, đến thăm và làm việc tại Việt Nam. Theo báo điện tử Chính Phủ, Thủ tướng đề nghị Samsung tiếp tục nghiên cứu mở rộng đầu tư nhà máy sản xuất sản phẩm bán dẫn nhằm góp phần khép kín “chuỗi sản xuất” trong lĩnh vực điện – điện tử của Samsung tại Việt Nam.

Phía Samsung cho biết đang chuẩn bị sản xuất thử các sản phẩm lưới bóng chip bán dẫn và sẽ sản xuất đại trà từ tháng 7-2023 tại nhà máy Samsung Electro-Mechanics Việt Nam ở Thái Nguyên. Đồng thời, Samsung cũng dự kiến khánh thành trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Hà Nội vào cuối năm nay, đầu năm sau. Được biết, đây là trung tâm phục vụ cho cả khu vực Đông Nam Á và hiện đã hoàn thành khoảng 85%.

Theo PGS Zhang, Samsung không muốn mất thị trường Trung Quốc nhưng cũng rất sẵn sàng gia nhập Chip 4 – đề xuất của Mỹ về một liên minh chiến lược sản xuất chip với Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc.

“Với những xu hướng thay đổi về công nghệ lẫn tái cấu trúc địa chính trị, Việt Nam rất nhiều khả năng là một trong những nơi hưởng lợi lớn bao gồm trong ngành bán dẫn”, ông Zhang nói với Tuổi Trẻ.

Theo Nhật Đăng

https://congnghe.tuoitre.vn/buoc-di-lon-cua-my-trong-linh-vuc-ban-dan-20220810225321738.htm

1,009 views

Chương trình Giữ trọn lời thề

Bảng giá quảng cáo và dịch vụ 2024

Chương trình Phát thanh

Hộp thư góp ý

Cổng thông tin Chuyển đổi số Bình Thuận

Chuyển đổi số

Liên kết website

Thông tin cần biết